Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Xây dựng huyện công nghiệp: SUY TƯ TỪ MỘT GÓC NHÌN...

Xây dựng huyện công nghiệp: SUY TƯ TỪ MỘT GÓC NHÌN...
                                                                                     Thanh Lê
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá - con đường tất yếu để xây dựng một Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tại huyện ta, để sớm đạt được mục tiêu trở thành huyện Công nghiệp, trên Chuyên san này, đã có nhiều ý kiến luận bàn sâu sắc trên nhiều bình diện khác nhau, thuộc đủ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội v.v... Tuy nhiên, ở đây, người viết bài này xin được tỏ bày đôi chút suy tư từ một góc nhìn khác: Vấn đề xây dựng các chuẩn mực văn hoá trong các quan hệ kinh tế và sinh hoạt cộng đồng ở địa phươnghướng tới xây dựng huyện công nghiệp.
Tập quán văn hoá và công nghiệp...
Theo định nghĩa của UNESCO (2002) “Văn hóa được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin” (theo Từ điển vi.wipikedia.org).
Còn công nghiệp là “ngành quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân có tác dụng quyết định trình độ phát triển của sức sản xuất xã hội” (theo Nguyễn Như Ý - Đại từ điển tiếng Việt - NXB VHTT - 1998 - tr 456 ). Trên bình diện khác, công nghiệp là “hoạt động kinh tế quy mô lớn, sản phẩm (có thể là phi vật thể) tạo ra trở thành hàng hóa". những hoạt động kinh tế chuyên sâu khi đạt được một quy mô nhất định sẽ trở thành một ngành công nghiệp (theo vi.wipikedia.org). Vậy “quy mô sản xuất”“trình độ phát triển” của một xã hội công nghiệp phải đạt đến một đẳng cấp cao. Khi đó dễ thấy rằng toàn thể các nhân tố đó sẽ cùng hướng đến mục tiêu“văn hoá” theo nghĩa tính từ của từ này.
Như vậy, văn hoá vốn là một giá trị tất yếu của một xã hội hiện đại. Không thể có một xã hội tiên tiến với sản xuất công nghiệp làm nòng cốt nếu không đi kèm với một đẳng cấp cao về văn hoá. Xây dựng một nền kinh tế quốc gia hoặc một kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp không thể không bàn vấn đề xây dựng một tập quán, lối sống văn hoá trên tất cả các mặt, trước hết là mặt kinh tế, nhằm tạo những điều kiện tối ưu cho phát triển công nghiệp và xã hội công nghiệp hiện đại.
Những vấn đề thực tiễn ...
Với một tư cách thẳng thắn và dũng cảm, không thể không thừa nhận trên địa bàn huyện ta hiện nay, đang còn rất nhiều vấn đề phải bàn, mà sau đây với góc nhìn có thể còn rất thiễn cận, tác giả xin mạn phép nêu lên vài suy tư cùng với vài tình huống điễn hình...
Trước hết, xin được nói đến tình trạng thiếu nghiêm túc, sòng phẳng và ngay thẳng trong việc thực hiện các quan hệ kinh tế vẫn đang còn phổ biến hiện nay. Biểu hiện của nó là sự thiếu nghiêm túc, sự phớt lờ theo kiểu “ăn đường rùa” của một bộ phận chủ thể trong các quan hệ kinh tế. Dễ thấy và cũng phổ biến nhất là trong lĩnh vực quan hệ tín dụng ngân hàng. Với tư cách là một chủ thể sòng phẳng, người đi vay vốn ngân hàng có đầy đủ quyền và nghĩa vụ để thực hiện hợp đồng tín dụng đã ký kết. Âý thế mà trong rất nhiều trường hợp họ chỉ biết có một chiều là ngân hàng phải giải ngân phục vụ họ đầy đủ và kịp thời, còn về phía họ thì thực hiện thiếu nghiêm túc, phá vỡ các cam kết về sử dụng vốn, về trả lãi, trả vốn, thậm chí cố tình chiếm dụng vốn cho dù đã có sự can thiệp của cơ quan pháp luật. Điều đáng tiếc đó không chỉ làm tổn hại đến vốn ngân hàng và quan hệ tín dụng mà còn gián tiếp tác động dây chuyền tạo nên những tiền lệ rất xấu cho các quan hệ có yếu tố kinh tế khác, cũng như tác động tiêu cực đến kỷ cương pháp luật ở địa phương. Được biết, theo số liệu thống kê của các ngành tư pháp, hàng năm số lượng vụ việc tranh chấp không đáng có về kinh tế trên địa bàn không phải là nhỏ, đó là chưa kể đến hàng loạt vụ việc phát sinh từ các quan hệ trọng yếu như nghĩa vụ nộp thuế, thuỷ lợi phí, giao trả mặt bằng, tranh chấp lao động v.v...
Thứ đến, xin được đề cập đến hiện tượng thiếu nghiêm túc về giờ giấc, tình trạng la cà quán xá cả trong giờ làm việc của một bộ phận cán bộ viên chức, công nhân lao động, tuy chưa phải ở mức phổ biến nhưng cũng rất đáng để nói. Cách đây không lâu, ông bạn tôi sau nhiều năm sống và làm việc cho một công ty lớn ở nước ngoài về thăm quê, khi được hỏi điều gì làm bạn trăn trở nhất khi trở lại, bạn tôi nói một câu khiến ai nghe cũng phải giật mình: bức xúc nhất là tình trạng công chức, viên chức, lao động uống cà phê đến 8 - 9 giờ sáng chưa đến công sở, nữa chiều đã có mặt ở quán rượu. Ở  xứ người, đây là chuyện hiếm, có chăng là chỉ trong giới giang hồ, vô tích sự...

Thiễn nghĩ, đây là điều rất đáng để tâm suy xét. Phải chăng những gì xảy ra thường xuyên, liên tục và lặp đi lặp lại sẽ làm cho con người quen dần và... dễ dàng chấp nhận. Nhưng, trời ạ, làm sao có thể chấp nhận được mãi, khi ngày nay trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mọi việc đều đã khác? Tôi chợt nghĩ đến những năm trước, khi đời sống người dân còn nhiều khốn khó, thì thi thoảng ta vẫn nhìn thấy đâu đó cảnh tụm năm tụm bảy thản nhiên giúp nhau... cưa bom để lấy phế liệu mà chẳng ai hề nghĩ đến hiểm nguy đang rình rập. Sự liên tưởng có khập khiễng một chút nhưng về bản chất, có lẽ không khác nhau là mấy. Vì cả hai trường hợp cũng đều đã “quen” và không nhận thấy có gì là hệ trọng!. Có điều việc cưa bom bây giờ tuyệt nhiên không còn nữa, vì người ta đã nhận thức được hết sự nguy hiểm và cũng... không còn bom để cưa. Còn việc cà phê, thuốc lá, rượu bia giữa giờ làm việc... thì có lẽ họ chưa thấy ảnh hưởng gì đến chuyện quốc gia đại sự hay hoà bình thế giới chăng?
Việc giờ giấc chưa nghiêm trong đời sống kinh tế địa phương còn thể hiện ở nhiều hình thức, lĩnh vực khác nhau. Ngay ở một số cuộc hội, họp, nhiều khi có cả ở những hội, họp quan trọng, việc lãng phí thời giờ của nhau vẫn là chuyện... “thường ngày ở huyện”. Không dưới một lần, người viết bài này từng là thành phần được mời dự họp và cũng không dưới một lần phải chờ giờ khai mạc đến... hàng tiếng đồng hồ, mà lắm khi chỉ là để chờ đợi sự có mặt của một yếu nhân, hoặc chờ  cho... đủ cử toạ đến dự, mà thành phần chính, trớ trêu thay, lại là các doanh nhân, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những đại biểu được cho là đại diện cho lối sống công nghiệp, rất văn minh và vô cùng hiện đại(!). Xin miễn bình luận về sự phiền toái, chỉ muốn nói đây là một sự lãng phí vô phép về thời gian của nhau một cách đáng tiếc và là điều không nên có trong quá trình xây dựng huyện công nghiệp để hướng tới cái gì cũng phải tiên tiến, cũng phải văn minh và hiện đại (!).
Rồi vấn đề tác phong làm việc, vấn đề trang phục, lời ăn tiếng nói của “những công bộc” của nhân dân, vấn đề giải quyết các mối quan hệ chằng chịt giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa tập thể và cá nhân, quan hệ giữa tư cách đại diện và tư cách cá nhân, vấn đề văn hoá lễ tân, v.v... vẫn còn lắm chuyện để nói mà trên bài viết ngắn này khó có thể đề cập một cách đầy đủ.
Tấm lòng thành chia xẻ...
Trên đây chỉ là một vài hiện tượng thường thấy mà người viết chỉ muốn được chia xẻ như một tâm tư, nguyện vọng và một tấm lòng, dẫu biết rằng đây chỉ là những việc rất bé nhưng khó nói, vì ai cũng biết, ở đời, cái sự “nói thật” vốn dễ làm “mất lòng”!. Cha ông ta từng nói: “cái sảy nảy cái ung”. Việc nhỏ không tính thì khi đã lớn chuyện còn làm được không?
Thiễn nghĩ, việc xây dựng một lối sống, phong cách, tập quán tốt trong tất các các quan hệ kinh tế, hướng đến sự tương thích cần thiết cho một huyện công nghiệp tương lai là việc làm phải được tính sớm. Và trách nhiệm không phải chỉ thuộc về các cấp Ủy, chính quyền địa phương, mà còn là của các cấp mặt trận, ban ngành đoàn thể, của mỗi người dân huyện nhà, kể cả những ai tha thiết với quê hương, khi mọi chuyện chưa trở nên quá muộn.
Đại Lộc, 11/2007
         Thanh Lê
(Chuyên san Xuân Đại Lộc – 2008)
Lễ Khởi công xây dựng Thuỷ điện Đắc Mi (Phước Sơn, 04/2007), một trong những công trình trọng điểm cho phát triển công nghiệp các huyện miền núi phía bắc Quảng Nam

(Ảnh: Thanh Lê)

Thanh Lê - Lê Thạnh - Comaihoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét