Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

NÓI VÀ LÀM

NÓI VÀ LÀM
Lê Thạnh

1. Nói và làm xưa nay vẫn luôn là đề tài muôn thuở của cuộc sống và xã hội.
Trước hết chúng ta thừa nhận với nhau là nói hoặc làm điều tốt bao giờ cũng khó hơn là nói hoặc làm điều xấu. Vì điều tốt không tự nhiên mà có, để có được nó con người phải học và phải luyện.
Và, nói điều tốt thì bao giờ cũng dễ hơn là làm điều tốt. Với lý do này, trong rất nhiều trường hợp, người nói điều tốt rất dễ bị phủ nhận hoặc thậm chí bị phỉ báng với một câu xưa rích nhưng rất bén và ác: “Hắn làm được đếch gì chưa mà cao giọng thế!”. Nếu không tỉnh táo nhìn nhận, ta rất dễ đồng tình với lập luận này.

2. Vậy xin có mấy dòng phân tích chuyện nói và làm như sau:
Trước hết là chuyện nói. Bằng phép đơn giản hoá, bỏ đi những cái không cần thiết, có thể chia những chuyện nói trên đời làm mấy thứ rạch ròi sau:
- Nói điều tốt;
- Nói điều xấu;
- Nói điều không xấu hoặc không nói điều gì cả.
Đánh giá 3 loại này, rõ ràng là nói điều tốt là tích cực nhất, có ích cho cuộc đời nhất, cho nên nó tốt nhất. Tệ hại nhất, dĩ nhiên là nói điều xấu.
Về chuyện làm, tương tự ta cũng có cách phân loại:
- Làm điều tốt;
- Làm điều xấu;
- Làm điều không xấu hoặc không làm điều gì cả.
Đánh giá 3 loại này, cũng tương tự như cách đánh giá trên: Làm điều tốt là tích cực nhất, có ích cho cuộc đời nhất, cho nên nó tốt nhất. Tệ hại nhất, dĩ nhiên là làm điều xấu.
Bây giờ, ta ghép các trường hợp nói và làm với nhau thì có một số tình huống đáng nói như sau:
1/ Nói điều tốt và làm điều tốt
2/ Nói điều tốt và làm điều xấu
3/ Nói điều tốt và làm điều không xấu hoặc không làm điều gì cả.
4/ Không nói được điều tốt nhưng cũng chẳng làm gì tốt cả.
- Trường hợp 1, cả nói và làm đều tốt: Quá tốt, miễn bình luận;
- Trường hợp 2, nói tốt nhưng làm xấu: Có nghĩa là lời nói không đi đôi với việc làm. Biết sai vẫn cứ làm sai. Biết đúng vẫn cứ không làm thì điều này còn tệ hơn là không nói gì cả. Đây là điều đáng lên án nhất và cũng phổ biến nhất trong đời sống hàng ngày. Có điều, để xác định rõ kẻ nói điều tốt và làm điều xấu hoàn toàn không đơn giản. Bởi khi hắn nói được điều tốt nhưng làm điều xấu thì hơn ai hết hắn nhận thức được rất rõ cái xấu trong việc làm xấu của hắn và hắn cũng thừa khôn ngoan để che đậy việc làm xấu xa của hắn. Thậm chí hắn có thể ngụy biện, bao che hay bằng bất cứ thủ đoan nào khác để làm người ta hiểu nhầm rằng hắn đang làm những điều vô cùng tốt đẹp (!).
- Trường hợp 3, nói điều tốt và không làm điều xấu: Điều này không tuyệt vời như trường hợp 1, nhưng thế cũng là tốt rồi.
- Trường hợp 4, không nói được điều tốt nhưng cũng chẳng làm gì tốt cả. Việc này không có lợi cho đời nhưng cũng chẳng hại ai.
Của đáng tội! Thực tế lắm khi có người nói điều tốt, làm điều tốt nhưng chưa "tương thích" với thời cuộc thì sẽ bị phỉ báng, chỉ trích gay gắt, thậm chí bị đào thải. Lại có kẻ lươn lẹo, xấu xa, nói không đi đôi với làm, ném đá dấu tay, luôn rình rập làm những chuyện bậy bạ, chỉ cốt cầu lợi danh cho mình, thì lại được sự bao che, dung túng, mà lắm khi lại được thăng tiến nhanh chóng.
Nhưng, quy luật ở đời, chuyện bất công đó trước sau cũng phải được dẹp bỏ. Cái tốt bao giờ cũng thắng!

Mặt khác, có trường hợp không hề làm, chỉ có nói. Mà cái nói ở đây là cái nói vừa cao giọng lại vừa điêu ngoa, chỉ toàn chê bai chuyện này, phê bình chuyện nọ, gieo rắc cho mọi người toàn màu đen kịt.

3. Như vậy, trước khi phê phán một ai đó đang nói những điều tốt đẹp bằng câu đơn cữ trên đây (Hắn làm được đếch gì chưa mà cao giọng thế!) ta phải nhìn nhận việc làm của kẻ phát ngôn. Nếu không có đủ bằng chứng để xác định họ làm điều xấu thì việc chê bai, phỉ báng đó rõ ràng là một sự hồ đồ.
Một điều rõ ràng là nói được điều tốt và không làm điều trái ngược với lời nói thì vẫn tốt cho đời và bao giờ vẫn ngàn lần hơn kẻ không nói thậm chí không biết nói được như thế. Hơn thế nữa, trong những hoàn cảnh chưa ai dám nói điều tốt, dám bênh vực lẽ phải thì chỉ hành vi nói điều tốt thôi đã là tốt rồi, chưa nói đây là một sự dũng cảm, có thể tự mình chuốc họa vào thân, khi cuộc đời còn nhiều ngang trái!

Thanh Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét