Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

VỀ MỘT NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC...

Hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước trước yêu cầu hội nhập:
 
VỀ MỘT NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI NHÀ NƯỚC
CÓ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO, CHỦ LỰC Ở ĐỊA PHƯƠNG.

ThS. Lê Thạnh - GĐ Agribank Đại Lộc                                                                       
1. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo&PTNT) tỉnh Quảng Nam tổ chức Kỷ niệm 10 năm thành lập trong bối cảnh hết sức đặc biệt: Trên trường ngoại giao, nước ta đã đạt được những thắng lợi mang tính lịch sử và vĩ đại, Việt Nam được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Hội nghị cấp cao APEC 14 – tổ chức tại Hà Nội thành công rực rỡ, cũng là thời điểm Đảng bộ, nhân dân Quảng Nam đang nô nức tiến tới Kỷ niệm 10 năm tái lập tỉnh. Đây là những sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với Mốc son 10 năm của NHNo&PTNT tỉnh Quảng Nam, vừa mở ra cho đơn vị những yêu cầu hội nhập tất yếu với những cơ hội và thách thức lớn.
Tuy nhiên, trước khi có thể bàn về những vấn đề sống còn trong hội nhập, cần phải xác định rõ ràng rằng: liệu NHNo&PTNT có còn giữ được vai trò chủ đạo, chủ lực vốn có của một ngân hàng thương mại nhà nước chiếm thị phần chủ yếu hiện nay hay không?
2. Lấy phạm vi 10 năm hoạt động của chi nhánh NHNo&PTNT huyện Đại Lộc, chi nhánh cấp 2 trực thuộc NHNo&PTNT tỉnh Quảng Nam làm cơ sở để nhìn nhận, đánh giá dễ thấy rằng trong điều kiện hội nhập quốc tế, ít nhất trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, NHNo&PTNT vẫn phải và sẽ nắm giữ vai trò chủ đạo, chủ lực của một ngân hàng thương mại nhà nước, nhằm đảm bảo định hướng XHCN trên lĩnh vực tài chính tín dụng, trong điều kiện tất yếu sẽ có nhiều ngân hàng có yếu tố nước ngoài đến tham gia thị trường.

Xin nêu ba lý do chính yếu để khẳng định điều này:
Một là: NHNo&PTNT đã đặt chỗ vững chắc của mình trong sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Vượt qua những khó khăn ban đầu của một ngân hàng thương mại, tách ra từ Ngân hàng nhà nước, cùng với những di chứng tai hại của cơ chế bao cấp, 10 năm qua chi nhánh NHNo&PTNT huyện đã có những bước bức phá ngoạn mục. Nếu như tổng dư nợ NHNo&PTNT toàn huyện năm 1997 là 24,3 tỷ đồng thì đến nay đã đạt mức 95 tỷ, tăng gần 4 lần. Tổng nguồn vốn huy động từ 12,1 tỷ (1997) đến nay đạt hơn 120 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần. Đây quả là những con số rất ấn tượng, chứng tỏ những bước phát triển vượt bậc của NHNo&PTNT.
Nhưng không chỉ có thế, vốn tín dụng của NHNo&PTNT đã thật sự trở thành nhân tố không thể tách rời của tổng quan kinh tế – xã hội trên từng địa bàn. Chính nó đã tác động tích cực vào sản xuất và đời sống, đẩy nhanh quá trình tích tụ tập tung ruộng đất, tăng quy mô sản xuất, phát triển sản xuất hàng hoá, cả quá trình khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt, xoá đói giảm nghèo, hạn chế nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, … Hiện nay, với hơn 9.000 hộ chiếm 40% số hộ trên địa bàn có quan hệ tín dụng với NHNo&PTNT, hơn 60% tổng khối lượng thị phần tín dụng ở địa phương…, đến nay có thể khẳng định được rằng NHNo&PTNT đã thật sự là bạn đồng hành của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn.
Hai là: NHNo&PTNT luôn luôn có chiến lược phát triển bền vững, thích ứng với mọi điều kiện, có thương hiệu Agribank đang được xây dựng và ngày càng nâng cao uy tín.
Nhìn nhận lại quá trình phát triển, dù gặp phải nhiều khó khăn thách thức, có lúc như đứng bên bờ vực thẳm, nhưng NHNo&PTNT đã luôn luôn vượt qua để phát triển. Có được kết quả đó là do NHNo&PTNT biết định hướng được chiến lược phát triển bền vững, đúng đắn. Lấy nông nghiệp, nông thôn làm địa bàn chính, NHNo&PTNT đã từng bước củng cố, xây dựng cho mình nhưng bước đi vững chải. Ngày nay với sự phát triển không ngừng của thương hiệu Agribank, NHNo&PTNT đã có một đảm bảo cho hội nhập.


Ba là: Bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu hội nhập.
Nhân tố con người luôn luôn đóng vai trò quyết định cho mọi sự thành – bại. Trong điều kiện hội nhập, tính cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng ngày càng khốc liệt, thì điều kiện về một đội ngũ cán bộ vững mạnh luôn đóng những vai trò rất quan trọng, nếu không nói là quyết định. Điều rất đáng ghi nhận là chiến lựoc đào tạo cán bộ tại NHNo&PTNT tỉnh Quảng Nam, ngay từ khi mới thành lập đã được đầu tư một cách táo bạo và hiệu quả. Đến nay trong số 344 CBVC toàn NHNo&PTNT tỉnh Quảng Nam đã có 1 Tiến sỹ, 18 Thạc sỹ, gần 30 CB đang học cao học, trên 65% CBVC có trình độ Đại học. Riêng tại chi nhánh NHNo&PTNT Đại Lộc có 1 Thạc sỹ và 13/18 CBVC có trình độ Đại học trở lên. Không dừng lại ở đó, đội ngũ cán bộ vẫn không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện trong môi trường thực tiễn, luôn luôn là một tập thể tinh thông nghề nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt và đáp ứng được mọi yêu cầu của hoạt động.
Ba yếu tố trên đã cùng tác động và không ngừng được NHNo&PTNT vun đắp ngày càng tốt đẹp hơn. Đó chính là những lý do rất quan trọng để NHNo&PTNT giữ vững vai trò chủ đạo chủ lực của mình.
3. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, vai trò của NHNo&PTNT sẽ tích cực và bền vững hơn nếu vượt qua được những mặt hạn chế chủ yếu sau:
Vấn đề nợ xấu: Đây luôn là vấn đề lớn của hoạt động ngân hàng nói chung, có tác động không nhỏ đến các mặt hoạt động đầu tư cho sản xuất và đời sống ở địa phương. Trong những năm qua, NHNo&PTNT huyện đã có những động thái tích cực như xây dựng và thực hiện Đề án nâng cao chất lượng tín dụng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý nợ v.v.. nên đến nay đã giải quyết căn bản tình hình, nợ xấu giảm đến mức trong tầm khống chế và kiểm soát của ngân hàng. Nhưng chất lượng tín dụng chưa thể nói là bền vững, khi địa bàn nông thôn vốn dĩ nguy cơ nợ xấu phát sinh vẫn thường xuyên tiềm ẩn.
Vấn đề cơ cấu đầu tư: Hiện nay tỷ trọng vốn tín dụng NHNo&PTNT đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ còn thấp so với nông nghiệp. Nếu như cơ cấu GDP đến cuối năm 2005 trên địa bàn huyện là: Nông nghiệp 31,52% - Dịch vụ 43,43% - Công nghiệp 25,05% thì cơ cấu dư nợ NHNo&PTNT cho các ngành tương ứng là 44,9% - 34,96% - 19,87%.  Đây là một yếu tố trực tiếp làm hạn chế vai trò tích cực của NHNo&PTNT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung và tiến trình CNH, HĐH nói riêng.
4. Như trên đã trình bày, vai trò chủ đạo, chủ lực của NHNo&PTNT ở địa phương trước và trong hội nhập đã được khẳng định và không thể phủ nhận. Nhưng để giữ vững vai trò đó đỏi hỏi sự nỗ lực không chỉ từ phía ngành ngân hàng, mà cả từ quan điểm chỉ đạo của các cấp Đảng, chính quyền, sự ủng hộ của các cấp ngành hữu quan, và sự đồng thuận các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Ở đây, xin không nêu lại các giải pháp cần thiết trong hoạt động quản trị ngân hàng, chỉ đưa ra hai mặt từ hai giác độ trọng yếu của vấn đề như sau:
Trước hết, về quan điểm chính sách phát triển kinh tế, cần phải nhìn nhận một cách đúng đắn rằng NHNo&PTNT là một đơn vị kinh tế nhưng ngoài mục tiêu lợi nhuận NHNo&PTNT còn phải thực hiện vai trò tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn chi nhánh NHNo&PTNT đóng chân. Do vậy phải xem tín dụng NHNo&PTNT thật sự là một công cụ để phát triển KT-XH trên địa bàn huyện. 
Đây là một quan điểm mấu chốt làm điều kiện đảm bảo cho các hoạt động của NHNo&PTNT được thực hiện hết các vai trò tích cực của mình. Quan điểm này cần phải được cụ thể hoá vào các chương trình hành động, định hướng, kế hoạch của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng đảm bảo pháp luật ở địa phương và nhất thiết phải có sự đồng thuận và ủng hộ từ phía các tầng lớp nhân dân.
Ngược lại, về phía NHNo&PTNT cần tiếp tục đảm bảo sự hài hoà và hợp lý giữa mục tiêu kinh tếmục tiêu xã hội trong các hoạt động của mình. Phải xây dựng chiến lược phát triển của ngành tương thích với yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng thời kỳ. Trong giai đoạn hiện nay, cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào các ngành công nghiệp, dịch vụ, ưu tiên đầu tư cho các ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế trọng điểm, nhằm tác động mạnh vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo hướng tích cực…
5. Mười năm đi qua, ngành Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Đại Lộc nói riêng đã làm được rất nhiều cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, khẳng định được xu thế phát triển tất yếu của một ngân hàng hiện đại. Tuy nhiên, để có thể giữ vững được những thành quả quan trọng đó, cùng với những nỗ lực vượt bậc của bản thân NHNo&PTNT là sự nhất quán quan điểm đúng đắn về công cụ tín dụng  NHNo&PTNT ngay từ trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Với những gì đang có và sẽ có, mục tiêu CNH, HĐH Đất nước và từng địa phương sẽ sớm thành hiện thực, trong đó có phần đóng góp vững chải của một ngân hàng thương mại hiện đại: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam./.                                                                                 

Đại Lộc, 2008
L.Th.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét