Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

PHIẾM ĐÀM VỀ “ VĂN HOÁ KINH DOANH ”.

PHIẾM ĐÀM VỀ “ VĂN HOÁ KINH DOANH ”.
Lê Thạnh

Để đạt được mục tiêu “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” Đất nước, để các ngân hàng TMNN tồn tại và phát triển trong hội nhập, vấn đề  “văn hoá kinh doanh” chiếm một vị trí, vai trò rất căn cơ.
Xuân về xin được phiếm đàm qua vài mẫu chuyện nhỏ cảm tác góp nhặt trên đường công tác.
Những chuyện kể dưới đây hoàn toàn là hư cấu, nếu có tương tự với chuyện từng xảy ra ở đâu đó thì chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, tình cờ ngoài chủ ý của tác giả.

1. GIỜ MỞ CỬA...
6 giờ sáng. Còn một tiếng nữa mới đến giờ làm việc. Ngay dưới tấm biển quảng cáo “Mang phồn thịnh đến với khách hàng” đặt trước cỗng trụ sở làm việc, có bác nông dân, tay cầm túi hạt giống cùng với chiếc cuốc trên vai đang sốt ruột, đon đả đi tới, đi lui, như muốn tìm ai...
- Anh làm ơn cho hỏi mấy giờ cơ quan ta mở cửa làm việc ạ?
- Dạ, chào bác. 7 giờ đúng, nhưng đó là quy định thế thôi chứ giao dịch khách hàng thì ai lại theo giờ giấc làm gì hả bác!... Mời bác vào. ấy, ấy... Bác mang dép vào đi chứ.  Nào, cháu có thể giúp được gì cho bác đây ạ?
Anh cán bộ vừa từ tốn hỏi chuyện, vừa ra cửa bắt tay vị khách nhà quê đến sớm, vừa cúi mình nhặt lên đôi dép dính đầy đất cát cầm vào, cẩn thận đặt dưới chân ông cụ. Và, ngày làm việc mới bắt đầu...
Ngoài thềm, cây lộc vừng vừa chớm thả những đài hoa đầu mùa óng ánh đỏ, thoang thoảng một hương thơm ...


2. XIN BÁC CỨ TỰ NHIÊN CHO...
Cô nhân viên tín dụng trong bộ áo dài đồng phục màu booc - đô, ý tứ dùng cả tấm thân thon thả, xinh đẹp của mình để che khuất tấm bảng nhỏ treo trên tường có dòng chữ : “Vui lòng không hút thuốc lá trong phòng làm việc”, vừa cố nén nhịn một cơn ho sắp bung ra trong ngực. Đối diện cô là vị Giám đốc của một doanh nghiệp lớn, rất lịch sự trong bộ vét - ton màu lam sang trọng, đang hùng hồn diễn giải về bản dự án đầy tham vọng của mình. Trên tay ông, điếu thuốc cháy dỡ, khói và mùi đặc trưng của loại xì gà Mexico nổi tiếng lan toả khắp phòng làm việc. Có ai đó húng hắng ho...
Chợt vị khách khựng lại khi phát hiện ra tấm bảng trên tường, sau lưng cô nhân viên tín dụng.
- Ồ. Xin lỗi. Rất tiếc... Vì tôi không biết quy định của cơ quan...
- Dạ, không phải đâu ạ! Đây chỉ là ...  quy định riêng đối với nội bộ của chúng em thôi. Còn bác là khách mà, xin  bác cứ tự nhiên cho ...
- Ôi. Thế sao?....
Xong việc, vị khách bắt tay ra về. Ngoài trời, giọt nắng hắt chơi vơi...

3. SAO LẠI KHÔNG LIÊN QUAN?...
- Thưa anh – viên Trưởng phòng Tín dụng nói với Giám đốc Ngân hàng - đây là dự án vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, vừa giải quyết rất nhiều việc làm cho bà con nông dân ở địa phương ta, nhưng thật đáng tiếc. Hiệu quả kinh tế của nó không cao, thời gian thu hồi vốn thì dài... em nghĩ... ta cần phải hết sức thận trọng! Theo em, ta tìm cách từ chối khéo là thượng sách...
- Thế còn dự án B?
- Thưa, đây mới thật sự là cơ hội của chúng ta. Em đã thẩm tra kỹ rồi, tuy có ảnh hưởng đến môi trường đôi chút nhưng hiệu quả kinh tế khá cao. Hơn nữa, các anh trên Tỉnh cũng vừa gọi điện nhắn lại anh là ...
Vị Giám đốc trầm tư. Bao nhiêu năm hoạt động trong công tác tín dụng, lăn lộn với cơ sở, từng giải quyết biết bao nhiêu bài toán kinh tế hóc búa, chưa bao giờ ông chần chừ trước khi quyết định. Nhưng lần này, không hiểu sao, ông rất khó khăn trong việc quyết định. Sự cân nhắc giữa lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội đan xen trong mỗi dự án khiến ông như lạc lối vào một mê hồn trận, không lối ra. Nếu giải quyết vấn đề chỉ qua một con tính trừ thì quá đơn giản với ông. Nhưng, còn nghĩa tình với quê hương, trách nhiệm với bao bà con nghèo đang chờ việc, vai trò chủ đạo, chủ lực của Ngân hàng đối với phát triển kinh tế địa phương khiến ông trăn trở, day dức...
Bất ngờ, ông hỏi người trợ lý:
- Bác Bảy lúc này ra sao?
- Dạ! Bố em rất khoẻ ạ! Nhưng thưa anh ...?
- Không! Đấy là tôi muốn hỏi về Công trình sưu tầm, biên soạn địa chí của cụ đó mà.
- Ôi! Anh quan tâm làm gì việc ấy. Suốt một đời đa đoan, vất vã, từ chiến trường trở về, ông cụ đã nướng hết cả tuổi xuân, sức lực còn lại, tiêu tốn biết bao là của cải cho việc làm dở hơi này, mà nào có lợi lộc gì đâu! May mà còn có bà cụ nhà em giỏi giang, tảo tần, chúng em mới được như thế này. Chứ đều như ông cụ thì chỉ có mà... Nhưng... thưa anh... việc này có liên quan gì đến quyết định đầu tư của chúng ta sắp tới đâu ạ?
- Sao lại không liên quan ? Sao lại không liên quan hả chú!...
Cơn gió nhẹ nhàng và se lạnh lướt qua, quyển lịch còn rất dày trên tường tí tách bay như có ai đó đang lật dỡ từng tờ, từng ngày...
4. TÚT TA, TÚT TÚT ...
– Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Đại hội Đại biểu Văn hoá Doanh nhân lần thứ ....
Một tràng pháo tay dòn dã vang lên. Không khí khai mạc Đại hội thật long trọng, báo hiệu bao điều tốt đẹp sắp diễn ra...
Bỗng: “Tút tút, tút tút. Tút tút, tút tút ....”.
Tiếng chuông từ hàng ghế đầu réo vang. Một đại biểu khệ khạ đưa chiếc điện thoại di động đời mới, đắt tiền lên tai, vừa nói to như ở chốn không người: “A lô...”. Có ai đó khẽ cười...
– Tiếp tục chương trình, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu...
Lại pháo tay dòn dã, sau lời giới thiệu của người dẫn chương trình.
Nhưng: “Tút ta, tút tút. Tút ta, tút tút ....”.
Lại chuông điện thoại reo khẩn cấp, lần này thì từ hàng ghế thứ hai. Một đại biểu rón rén bước ra ngoài. Lại ... có tiếng cười khục khịch...
Gió nhẹ. Một cành hoa lạc lõng từ trên bục diễn giả rơi xuống đất, vỡ ra. Không mấy ai để ý đến những cánh hoa vô tình lả tả bay....

5. THƯA THẦY, VĂN HOÁ KINH DOANH LÀ ...
Trời oi bức. Trong giảng đường đã đến tiết giảng cuối cùng rồi nhưng vị Giáo sư già vẫn say sưa làm việc với lớp:
- Văn hoá kinh doanh là gì? - Ông nói – Mời các anh, chị tự do phát biểu quan điểm của mình nhưng yêu cầu phải là cô đọng nhất, dễ hiểu nhất. Nào xin mời anh...
- Thưa thầy! Theo em, nói một cách hình ảnh thì văn hoá kinh doanh phải là... Hoa nỡ giữa đời thường ạ. Văn hoá kinh doanh thì có khác gì sự thăng hoa tuyệt vời, trên nền của đời thường còn lắm phức tạp ...
- Không! Em không đồng ý, thưa thầy! – Một bạn khác - Nếu thế, văn hoá kinh doanh phải là quả mới đúng. Chứ “hoa” thì chỉ mới là một giai đoạn phát triển thôi. Nói theo ngôn ngữ triết học thì hoa chưa phải đến “độ” cần thiết để tạo nên một “bước nhảy”. Theo tôi, quả mới là cái đích cuối cùng mà chúng ta phấn đấu để đạt đến. Xin hãy hình dung... Vâng, những quả gấc chín đỏ, nỗi bật tuyệt vời trên giàn lá xanh rờn của quê hương, đất nước ....
- Làm gì mà văn vẽ, nhì nhằng, khó hiểu đến thế! Thưa thầy, theo em, văn hoá kinh doanh chỉ giản dị như xưa nay ta thường nói đó thôi. Đó là “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” ạ.
- Tôi không đồng ý. Thế thì, nếu có vị khách nào đó vui vẻ muốn ở lại thì sao? - một bạn vặn lại.
Cả lớp cùng cười. Anh bạn lớp trưởng, nảy giờ ra dáng trầm ngâm, bổng đưa tay xin phát biểu:
- Tôi cho rằng không cần phải tự làm khó cho mình như vậy. Thưa thầy, một cách khái quát, theo em, văn hoá kinh doanh phải là sự phát triển bền vững và toàn diện. Nghĩa là sự phát triển của mình không làm cản trở sự phát triển của  các đối tác khác và nhất thiết phải đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội .... Thưa Thầy, hiện nay để có thể thực hiện thành công công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp, đi cùng với các chiến lược phát triển kinh tế, chúng ta phải chú ý đến việc xây dựng một nền văn hoá...
Vừa lúc ấy chuông reo báo hiệu hết giờ. Giáo sư đưa tay ra hiệu và kết luận:
- Thôi. Đề tài này hứa hẹn sẽ còn rất nhiều vấn đề lý thú. Hôm nay, thầy trò ta tạm dừng ở đây. Các anh, chị về nhà nghiên cứu thêm, hôm sau chúng ta bàn tiếp.
Thầy, trò vui vẻ ra về. Trong khi đó, giảng đường bị bỏ lại ngỗn ngang bàn ghế. Đèn điện vẫn rực lên ánh sáng của văn minh. Còn hệ thống quạt hiện đại, công suất cao mới được nhà trường trang bị thì vẫn vù vù thổi, phũ phàng...
Nắng xuân đổ về càng dữ dội, đưa chân vị Giáo sư cùng nhóm sinh viên đang hùng hồn tranh luận về những vấn đề cao siêu tận đẩu, tận đâu. Ngoài kia, lũ học trò tiểu học cũng vừa tan trường, ríu rít, vô tư, túa nhau ra như đàn ong vỡ tổ...                 

        L.Th




Địa chỉ:
Lê Thạnh
CN NHNo&PTNT huyện Đại Lộc, Quảng Nam
ĐT: 0510.865278 DĐ 0914.026.345


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét