Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

“NGẬP NGỪNG” – SỰ DỒN NÉN CỦA CẢM XÚC SỐNG ...

 “NGẬP NGỪNG” – SỰ DỒN NÉN CỦA CẢM XÚC SỐNG ...
(Cảm xúc khi đọc bài thơ “Ngập ngừng” của Huỳnh Minh Tâm)

                                                                                                    Lê Thạnh
Đã 4 năm trôi qua, kể từ khi nhận lời và ngâm - đọc bài thơ “Ngập ngừng” của Huỳnh Minh Tâm tại Đêm thơ Đất Quảng, tổ chức vào Nguyên tiêu Bính Tuất – 2006, đến nay dường như tôi vẫn còn bồi hồi với những cảm xúc khôn nguôi về xứ quê và tình người thể hiện ở bài thơ này...

Những lúc tâm hồn bay bỗng tôi cũng từng ngọng ngịu ngâm nga đôi câu, để thấy đời còn có chút ớt cay, chút rượu nồng, nhưng “ngâm” cho mọi người nghe một bài thơ hoàn chỉnh trên sân khấu thì thú thật tôi chưa hề. Vì nể và thương bạn, tôi đã nhận lời mà không hề nghĩ đến hậu quả sẽ ra sao. Cả tuần lễ trôi qua, đọc đi, đọc lại mãi mà tôi vẫn chưa thể nào hiểu nỗi Huỳnh Minh Tâm muốn nói gì trong “Ngập ngừng” cả. Đã thế, để thuộc lời bài thơ, với trí nhớ vào hàng siêu ... lãng như tôi thì quả là quá sức. 
Tôi gặp Huỳnh Minh Tâm để giải bày những lo lắng đó. Nhưng tôi gần như phát hoảng về những lời lẽ cứ vừa cao siêu vừa nhiệt tình của Huỳnh Minh Tâm đã không giúp tôi sáng dạ thêm chút nào, lại càng rối rắm hơn. Tôi linh cảm có một điều gì đấy rất lạ ẩn chứa, khi Huỳnh Minh Tâm tỏ vẻ xúc động đến độ gần khóc... Mà anh cũng dễ “khóc rống lên” như đã từng lắm chứ  (Tôi muốn – Huỳnh Minh Tâm). Vốn từng học chung trường, tôi biết cảm xúc và khát vọng sống mãnh liệt đến độ bất thường của anh. Tôi chợt thấy hối hận và càng thương nhà thơ vô cùng. Để thoát khỏi nguy cơ nghe nhà thơ … khóc, bất giác tôi buộc miệng nói dối, điều dối trá vĩ đại: “Rồi! Mình hiểu rồi!”, mà trong bụng thì nghĩ thật sự mình chả hiểu gì cả!

Thế là tôi đã tự mình ... trèo lên lưng cọp lúc nào chẳng biết.
Từ đó, không còn cách nào khác, tôi cất công chuẩn bị. Bụng bảo dạ, ít nhất phải học thuộc lòng bài thơ. Tôi đóng cửa, ngân nga như đứa bé học vần. Và càng đọc, càng nhớ lại bộ mặt kỳ dị, cùng những lời lẽ “trên trời dưới đất” của Huỳnh Minh Tâm, rồi chiêm nghiệm từng lời, từng câu, hình như tôi đã ngộ ra vài điều…
Đêm Nguyên tiêu Đại Lộc…
Điều đầu tiên khiến tôi nỗi gai ốc khi cất lên câu “Tôi về. Cũng chỉ về thôi” là một cảm xúc dạt dào và mãnh liệt. Cái cảm giác của sự tinh tuý cô đọng của cả đời người, của cả đời thơ đang được dồn nén chỉ vào một một khoảnh khắc, rồi nỗ bùng ra.
“Tôi về cũng chỉ về thôi
Nghĩa. Mong ở lại những nơi không về
Nghĩa. Tôi đi hái trăng thề
Cánh hoa đỉnh núi, nỗi quê cau vàng””...
 “Về”! Ngắn ngũi, gọn lõn mà thiêng liêng nhường nào. ”Về”! tức là chỉ có thể xảy ra khi ta đang ở xa, xa lắm. Và thời gian có dài đi vô tận thì cuối cùng, nơi đó – nơi về – mới là cái đích thực. Về quê, về nhà, về với em, hay xa hơn là về với cõi thiên thu đi nữa ... cũng man mác lắm, viễn vu lắm, tang bồng cũng lắm lắm.
Ấy thế mà cái sự “về” của Huỳnh Minh Tâm, khởi xướng cho ngọn nguồn những cảm xúc đó lại “cũng chỉ về thôi”, mà chẳng thèm kèm theo một thứ gì khác. Vì tất thảy đều sẽ không xứng đáng, để rồi cảm xúc lại dâng tràn hơn khi anh gần như buộc miệng “Nghĩa. Mong ở lại những nơi không về”. Tôi bỗng nhớ lời của một nhà thơ vào hàng “quái kiệt” của Đất Quảng: “Đi là đi biệt từ khi chưa về” (Bùi Giáng). Hai trạng thái khác nhau, nhưng dường như cái tâm, cái quái của hai nhà thơ cũng chỉ là một. Một đằng là “ở lại những nơi không về”, còn đằng kia lại là “đi biệt từ khi chưa về”. “Không về” hay “chưa về” lại trong những ngữ cảnh, xúc cảm thế này thì thật là đắc địa vô cùng, mà ... quái cũng vô cùng.
Trong cái khung cảnh lan man dễ chịu của trời quê, cặp mắt “lên đồng” của Huỳnh Minh Tâm đã nhìn thấy “trăng”, thấy “núi”, thấy “hoa”, và thấy cả cái “lạnh suông kẽ tóc, giá đều tấm da”. Hình như những khái niệm thông thường về giác quan đã bị phá sản cả...
Nhưng, hãy chờ xem...
“Kìa mùa chầm chậm thu sang
 Một làn khói ra lan man trời chiều”
Tâm hồn ta bỗng du dương, bồng bềnh. Ngập tràn cả con tim là làn khói rạ, vừa quen thuộc như những ngày chăn trâu đuổi bướm hái hoa, vừa lạ lẫm, lan man với một trời chiều đầy ráng. Và vượt lên trên các cảm xúc đó là sự chiêm nghiệm thời gian một cách đáng kinh ngạc của nhà thơ, khi anh chợt nhận ra thời gian đang trôi, trôi đi, trôi qua như  những thước phim quay chậm: “Kìa, mùa chầm chậm thu sang”. Đến đây thì sự tinh tế bác học lại đi kèm với cái cảm giác lâng say cuồng dại, đã đẩy “cảm giả” đến tột cùng của cảm xúc. Chính điều đó đã khiến tôi bỗng dưng dừng lại, lấy hơi rồi bất chợt gào lên:
“Đây là tất dạ! Đây là đôi câu.
Đây là nương bắp, bãi dâu.
Là đây rau muống ao sâu mùi bùn…
Là đây cà tím, cải vàng.
Là đây mái tóc treo ngàn câu thơ…”
Những hình ảnh vô cùng quen thuộc, nào “bắp”, nào “dâu”, nào “cà” nào “cải”… Rồi lại là một bóng dáng thôn nữ, thoáng qua, rất nhẹ với “mái tóc treo ngàn câu thơ”. Tôi hiểu, mái tóc kia phải là thứ ghê gớm lắm mới có thể khiến nhà thơ đánh đổi cả “ngàn câu thơ” treo mành mành như thế. Tự bao đời nay, tác phẩm luôn luôn là máu thịt của người nghệ sỹ thì đối với nhà thơ, điều quý giá nhất chẳng phải là những câu thơ đấy sao? Ấy vậy mà dám đổi cả “ngàn câu thơ” cho một “mái tóc” thì quả là chỉ có Huỳnh Minh Tâm mới là người … thứ nhì trong thiên hạ!
Tôi nghe loáng thoáng bên dưới có tiếng vài tiếng xì xào. Hình như có điều gì bất ổn. Nhưng đã quá muộn! Cái chất “doping ngôn ngữ” được cài vào thơ một cách khéo léo và tài tình của Huỳnh Minh Tâm đã ngấm vào tôi tự lúc nào. Tôi đã say theo thơ, hết cảm xúc này đến cảm xúc khác, mà không còn có thể dừng lại được nữa. Tôi thấy dường như mình đang lạc lối vào một khu rừng ngập tràn của vần điệu, của từ ngữ, của những ký ức xa xăm mà dễ chịu, những kỷ niệm hồn nhiên con trẻ, khát vọng yêu đương, những trở trăn, day dứt của buổi xế chiều
Cho đến khi có tiếng vỗ tay. Rồi có đôi tình nhân nào đó trông rất quen, với đôi cặp mắt sáng ngời hạnh phúc, lên tặng hoa mà tôi vẫn còn đớ người ra chưa kịp định thần (sau này tôi mới biết đó là … vợ chồng Huỳnh Minh Tâm). Người tôi run bắn lên như vừa mới qua cơn sốt và không còn nhớ nỗi mình đã thể hiện bài thơ ra sao. Chỉ biết rằng, “Ngập ngừng” của Huỳnh Minh Tâm đã vừa đẩy tôi vào những cảm xúc cực độkỳ lạ.
Trong thời buổi thơ đang có dấu hiệu “lạm phát”, ở đây đó thơ đang có xu hướng khô khan xa rời đời sống và đang rất cần những cảm xúc thật sự thì hàm lượng xúc cảm trong “Ngập ngừng” của Huỳnh Minh Tâm lại giàu có đến độ hào phóng và dồn nén. Điều đó thật đáng trân trọng. Nhưng, khốn nỗi, Tâm ơi! ở đời đâu phải lúc nào cũng cần thật nhiều cái quý. Đâu phải cứ có thật nhiều cái quí mới là tốt? Mà cuộc đời vốn giản dị hơn nhiều như ta tưởng. Phải chi anh biết cách điều tiết cảm xúc ở mức độ vừa phải hơn, nhẹ tay hơn thì đã không “làm khổ” tôi và cả những ai bị “Ngập ngừng” làm cho mê hoặc.
Dù sao cũng xin cảm ơn Huỳnh Minh Tâm đã cho tôi được bồng bềnh mây gió, được trải nghiệm lại những nỗi “Buồn. Thương. Nhớ. Quá bơ vơ”, được hồi hộp, e ấp khi hẹn hò “Tôi về. Tôi ở. Tôi đi”, được hùng hồn với những triết lý lông bông mà sâu sắc “Nghĩa là. Cũng chỉ. Như khi. Bữa nào”… trong một lầm ngâm ngợi như thế, khi tưởng chừng như lối sống công nghiệp, màn hình vi tính và những tất bật lo toan của “cơm áo gạo tiền” đã từ lâu gần như muốn cướp đi của tôi những cảm xúc thường ngày.
Cảm ơn “Ngập ngừng” của Huỳnh Minh Tâm đã cho lại tôi cảm giác mình đang sống!         
Tam Kỳ, Đông 2009
LT                                                                                 
NGẬP NGỪNG
                                                Huỳnh Minh Tâm

Tôi về
Cũng chỉ về thôi
Nghĩa.
Mong ở lại những nơi không về.
Nghĩa.
Tôi đi hái trăng thề,
Cánh hoa đỉnh núi, nỗi quê cau vàng.
Kìa, mùa chầm chậm thu sang
Một làn khói rạ lan man trời chiều.

Tôi về đất bạc thân yêu
Lạnh suông kẽ tóc, giá đều tấm da.
Về chi? ảo ngữ quê nhà
Đây là tấc dạ, đây là đôi câu.
Đây là nương bắp, bãi dâu.
Là đây rau muống ao sâu mùi bùn.
Là đây cà tím, cải vàng.
Là đây mái tóc treo ngàn câu thơ.

Buồn. Thương. Nhớ. Quá. Bơ. Vơ.
Nghĩa mong ở lại bến bờ cỏ cây.
Mà sao ở lại đủ ngày?
Đầy năm dư tháng mẹ rầy cha la
Thôi về, về nhé, cỏ hoa
Chắc rồi vẫn nỡ như  là có tôi?
Tôi về. Tôi ở. Tôi đi.
Nghĩa là. Cũng chỉ. Như khi. Bữa nào.


HMT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét