Chuyện khó tin nhưng có thật :
ĐỨA CON CHẾT ĐI
SỐNG LẠI !
Thanh Lê
Từ khi trên An ninh Thế giới Cuối tháng
có chuyên mục “Chuyện khó tin nhưng có thật” với những câu chuyện thấm
đẫm nước mắt, đầy xúc động, những câu chuyện khiến người ta phải khắc sâu lòng
căm thù với cái ác và trân trọng những tỉnh cảm thiêng liêng giữa con người với
con người, dù họ chỉ là những người hoàn toàn xa lạ, những câu chuyện man mác
tình đời... tôi vẫn thầm tin và chờ đợi sự xuất hiện của một câu chuyện mà tôi
cho rằng trước sau gì cũng có người viết để đăng trên chuyên mục này. Nhưng
nhiều số báo cứ ra đời mà trong số những người biết chuyện vẫn chưa có ai chắp
bút, mãi đến nay nó vẫn chưa thể xuất hiện trên mặt báo.
Nay tôi xin mạo muội thuật lại câu chuyện
về Ông, một cựu chiến binh, một cán bộ hưu trí ngành ngân hàng quá cố,
với ba điều khó tin lần lược diễn ra, như những lớp tuồng gay cấn nhưng vô cùng
đoản hậu. Để câu chuyện không ảnh hưởng đến những người đang sống, tôi xin được
dấu tên mình và cả tên các nhân vật có thật trong câu chuyện này.
***
Là một cán bộ hoạt động trong lòng địch vào
những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong một trận
đánh giáp lá cà với địch, Ông đã bị mất một cánh tay và phải đưa ra miền
Bắc chữa trị. Sau khi bình phục với cánh tay còn lại, vốn có chút học vấn, Ông
được chuyển công tác sang làm việc trong ngành Ngân hàng. Rồi Ông lấy
vợ, sinh con....
Cuộc sống của một gia đình cán bộ thời
chiến lúc bấy giờ: Chồng làm giám đốc ngân hàng, vợ là giáo viên tiểu học, có
con trai đầu lòng .... tưởng như hạnh phúc gia đình Ông khó có ai sánh
kịp.
Nhưng tai hoạ bất ngờ đã gieo xuống. Đứa
con chỉ mới lên ba, bập bẹ tập nói, bị bệnh hiễm nghèo. Bao nhiêu tài sản của
gia đình, mà phải vất vã lắm mới có, đã dần dần tiêu tan vào căn bệnh quái ác
của thằng con. Mọi cố gắng đều gần như tuyệt vọng, cho đến một ngày kia thằng
bé tắt thở.... Vợ chồng Ông gào lên thảm thiết, tiếc thương cho đứa con
bạc mệnh.
Điều khó tin thứ nhất...
Trên đường đưa đứa bé đi an táng, khi dừng
lại nghỉ chân, mọi người kinh hãi nhận ra chiếc quan tài động đậy mỗi lúc càng
mạnh. Người ta mở nắp và phát hiện đứa bé còn sống. Lập tức người ta đưa đứa bé
đi cấp cứu. Điều kỳ diệu đã xảy ra: Thằng bé được cứu sống! Sau một thời gian
dài điều trị, dần dần bệnh tình của nó thuyên giảm và khỏi hẵn.
Từ đấy vợ chồng Ông xem thằng bé như
được sinh ra lần thứ hai và đã dồn mọi tình cảm yêu thương, nâng niu chiều
chuộng, có thái quá nhưng hoàn toàn có thể hiểu được đối với đứa con chết đi
sống lại này. Và cũng từ đấy, điều phải đến đã đến, thằng bé ngày càng trở
nên ương bướng, hư hỏng và bất trị. Nhưng vợ chồng Ông vẫn cố chấp nhận,
xem như đó là lẽ thường tình. Trong khi đó, càng được thương yêu, dỗ dành, chìu
chuộng bao nhiêu thì thằng bé càng trở nên ích kỹ, lạnh lùng bấy nhiêu. Hắn bỏ
học và tính khí ngày càng trở nên khác thường, luôn luôn hằn học và tàn nhẫn
với mọi người xung quanh...
Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng
(1975), Ông xin chuyển công tác và đưa gia đình về Nam, quê ông. Ông
lại được bố trí tiếp tục giữ chức giám đốc của một chi nhánh ngân hàng cấp
huyện. Cần nói thêm rằng, trong quá trình công tác của mình Ông luôn tỏ
ra là người có nhiệt huyết cách mạng, có nhiều công lao đóng góp cho sự phát
triển của ngành và địa phương, được các thế hệ cán bộ nối tiếp yêu mến và ghi
nhớ công đức của ông như một vị tiến bối có công...
Nhưng, ít ai biết rằng, trong lúc này ở gia
đình, Ông đã thật sự rơi vào tận cùng của sự đau khổ. Thằng con càng
lớn, càng hư hỏng, đã thoát ly hoàn toàn khỏi sự răn đe, giáo dục của Ông,
đã không giúp ích được gì cho gia đình và xã hội, lại còn ăn chơi đàn điếm, lôi
kéo thêm nhiều kẽ xấu làm chuyện bậy bạ...
Điều khó tin thứ hai đã xảy
ra...
Sau khi tiêu phá không biết bao nhiêu tài
sản của gia đình, một lần hắn về đòi
tiền mẹ để đi chơi. Lần này bà cương quyết không đưa tiền cho hắn. Hắn lồng lên
như con thú, không tiếc lời thoá mạ, chữi mắng mẹ. Rồi hắn đặt điều vu khống bà
đã dan díu với người tình cũ nào đó, chỉ để lấy cớ đan tâm đánh đập mẹ mình một
cách tàn nhẫn.
Là một nhà giáo mẫu mực (lúc này bà đã là
phó hiệu trưởng của một trường tiểu học), bị con xúc phạm, bà đau đớn cả thể
xác lẫn tinh thần. Quá uất ức và đau khổ, bà đã rức ruột từ con. Rồi trong cơn
quẫn bách bà đã uống thuốc độc tự tử. Người ta phát hiện và đưa bà đi cấp cứu,
nhưng mọi sự đã quá muộn. Bà vĩnh viễn ra đi trong nỗi đau tột cùng của Ông.
Đau khổ vì mất vợ, chỗ dựa tinh thần lớn
nhất của Ông, đau khổ vì đứa con bất trị, Ông lâm trọng bệnh. Cơn
tai biến bất ngờ ập đến đã khiến Ông nằm liệt giường rất nhiều ngày
trong bệnh viện. Đã có lúc tưởng chừng như Ông không qua khỏi. Nhưng may
mắn thay, nhờ sự cưu mang của bạn bè, của bà con chòm xóm và hơn hết là sự tận
tình của đội ngũ thầy thuốc... Ông đã gượng dậy được, bệnh tình dần
thuyên giảm. Mọi người vui mừng, hy vọng Ông sớm bình phục và xuất viện
về nhà.
Lại nói về thằng con. Khi Ông nằm
viện, cận kề với cái chết, hắn đã bỏ đi biệt tích. Nhưng đến khi nghe tin Ông
tỉnh dậy, sắp xuất viện, thì hắn đã mò tìm đến...
Và điều khó tin cuối cùng...
Hắn hé cửa quan sát bên trong phòng bệnh.
Khi thấy Ông đang nằm trên giường, bất ngờ, hắn xấn tới túm lấy cổ áo,
lôi Ông dậy và hét lớn:
- “Ông không được chết. Ông không được
chết...”
Hắn sợ Ông chết khi chưa chia gia
tài cho hắn.
Quá bàng hoàng và cay đắng, Ông điếng
người, chỉ kịp thều thào:
- “Con ơi. Mày, mày...”
Cơn tai biến tái phát dữ dội đã cướp đi
mạng sống của Ông ngay tức khắc. Ông chết tức tưởi, cặp mắt trừng
trừng oan trái...
Sau cái chết của Ông, gia đình tan
nát, anh em hắn hiềm khích, giằng xé lẫn nhau... Rồi, hắn lại bỏ đi như chưa hề
có hắn trên đời.
***
Câu chuyện đi qua đã nhiều năm, và đã sắp
rơi vào quên lãng. Nhưng với chúng tôi, những đồng nghiệp cũ, sẽ không bao giờ
quên được tấm gương sáng chói về tinh thần đầy trách nhiệm của Ông đối
với công việc và câu chuyện đầy đau xót này. Giờ đây hồi tưởng lại, tôi thầm
xin Ông dưới suối vàng hãy tha thứ
cho tôi vì đã khơi lại nỗi đau này. Nhưng, khi cuộc đời còn lắm trái
ngang, cái ác chưa được xoá sạch, khi đây đó vẫn còn tồn tại những đứa con
trời đánh, những kẻ côn đồ, chữi cha mắng mẹ, những quân lừa thầy
phản bạn ... như thằng con khốn nạn kia, thì thuật lại câu chuyện này, như
hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc làm cha làm mẹ thời nay, dẫu có đau xót và
chịu lỗi với người quá cố, tôi thầm nghĩ may ra câu chuyện còn có ích cho cuộc
đời...
4/2006
T.L
(*) Đây là câu chuyện có thật. Nhân
vật “Ông” trong câu chuyện nguyên là Giám đốc Ngân hàng huyện vào những năm 80 (TK trước). Ông mất do tai biến mạch máu não, khoảng những
năm 90. Lúc ấy Ông đã nghỉ hưu.
Vì lý do tế nhị và sự an toàn của
tác giả, kính đề nghị Toà soạn không đăng tên thật của các nhân vật, các địa
danh thật và cả tên tác giả.
Tác giả bài viết: LT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét